“Dịch thuật ở Việt Nam chưa thực sự được xây dựng thành một nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao vì còn thiếu những chuẩn mực chính thức; từ đó, tính kỷ luật trong công việc này chưa cao và khó phân biệt các cấp độ dịch thuật.”
Bà Tôn Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ như vậy tại “Hội nghị quốc tế về dịch thuật và ngôn ngữ” do Hiệp hội Dịch thuật châu Á (AATI) phối hợp với Công ty cổ phần dịch thuật Saigon Translation tổ chức vào chiều 13/12 tại Hà Nội.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, hiện nay, trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam đã được nâng cao hơn so với các thập niên trước. Tuy nhiên, số người có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc, giao tiếp lại không nhiều.
“Trong khi đó, việc hội nhập và phát triển của đất nước đặt ra yêu cầu lớn về ngoại ngữ ở tất cả mọi lĩnh vực (khoa học, giáo dục, văn hóa…). Bởi vậy, nhu cầu về dịch thuật ở Việt Nam ngày càng lớn không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng,” bà Ninh nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, trong khi các nghề nghiệp khác đã có tổ chức nghề nghiệp chung, hình thành được những chuẩn mực, quy tắc nghề nghiệp của mình thì nghề biên-phiên dịch ở Việt Nam lại chưa hề có tổ chức và kỷ luật nghề nghiệp cụ thể.
Từ đó, “tôi cho rằng có sự chủ quan, dễ dãi trong những đội ngũ những người làm nghề biên-phiên dịch ở Việt Nam, trong đó thường thấy nhất ở những người coi đây như một nghề tay trái hay những người mới bước vào nghề,” bà Ninh bày tỏ.
Đồng quan điểm với bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần dịch thuật Saigon Translation cho rằng: Tuy nghề biên-phiên dịch đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam được khoảng ba thập kỷ (với số lượng cá nhân, tổ chức tham gia ngày càng đông) nhưng lĩnh vực này lại chưa có những chuẩn hóa nghề nghiệp cụ thể.
Ông Tuấn cho rằng, thực tế hiện nay, trong xã hội tồn tại một quan niệm sai lầm về nghề biên-phiên dịch rằng, bất cứ người nào biết ngoại ngữ đều có thể làm nghề biên-phiên dịch.
Theo ông, để có thể làm công việc biên-phiên dịch thực sự thì bên cạnh vốn ngoại ngữ, người làm nghề còn cần trang bị nhiều kiến thức bổ trợ khác về văn hóa, lịch sử… cũng như những kiến thức chuyên ngành ở lĩnh vực mà mình dịch thuật (y học, toán học, môi trường…).
“Do đó, nghề biên-phiên dịch ở Việt Nam chưa đạt trình độ chuyên nghiệp cao, những người làm nghề này còn thiếu hụt cả về kiến thức và kỹ năng,”
Từ thực tế đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, để nghề biên-phiên dịch ở Việt Nam có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp và khẳng định được tầm quan trọng, vị trí của mình trong xã hội, một trong những yêu cầu đặt ra là, phải có một tổ chức nghề nghiệp của những người dịch thuật biên phiên dịch ở Việt Nam.
“Đây sẽ là diễn đàn, sân chơi chung để những người làm nghề biên-phiên dịch Việt Nam chia sẻ kiến thức và trao đổi kinh nghiệm. Tính đặc thù của công việc dịch thuật đặt ra yêu cầu cao về tính liên kết quốc tế; nhưng nếu không tự nghiêm khắc với bản thân, hướng đến tính kỷ luật và chuyên nghiệp thì rất khó để hội nhập với cộng đồng dịch thuật quốc tế,” bà Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ./.