Vào những ngày cuối tháng 10-2013, các nhân viên của Saigon Translation đã tham gia khóa học kĩ năng sống, nhận thức, hoạt động nhóm tại Sóc Sơn. Sau đây là bài thu hoạch của ông Đoàn Khánh Duy – nhân viên phòng biên dịch, một trong những bài viết nổi bật, súc tích và ý nghĩa nhất.
1. Về cảm nhận
Đây là lần đầu tiên cá nhân tôi được tham dự 1 khóa học mở, cả về nội dung học lẫn về không gian đào tạo. Gọi là mở là bởi khóa học được thiết kế để học viên tự nhận thức được những bài học cho riêng mình qua trải nghiệm cá nhân thực tế, và đây chính là điều mà tôi thấy hay nhất ở khóa học này. Khi bước chân tới không gian của IOGT, nhìn thấy những người sẽ hướng dẫn mình là các thầy, cô còn khá trẻ, tôi có 1 chút hoài nghi về những gì mình sẽ học tập, đúc rút được từ nơi đây.
Trước khi lên đường, tôi đã tìm hiểu sơ qua về IOGT và những khóa học tại đây, do đã được dào trước là sẽ toàn lăn lê, bò toài, chạy nhảy, vận động… cũng có đôi chút e ngại, vì tôi vốn thể chất không tốt, nay lại phải xử lý những bài tập vốn chỉ dành cho lực lượng Hải quân Hoa Kỳ với những tay cơ bắp, to lớn. Nhưng thực tế, khi khám phá không gian IOGT lúc vừa bước chân ra khỏi xe ô tô, tôi lại có 1 suy nghĩ khác, nhìn thấy 1 không gian rộng lớn, nhiều cây cối, thấy nhiều sân chơi, những mô hình… và nhất là với bài tập khởi động khi vừa bước xuống khỏi xe, cất đồ, tại sân trước phòng họp, tôi biết những ngày tại nơi này chắc chắn sẽ không lãng phí, sẽ không hoàn toàn là chân tay, sẽ không như những gì mình lo ngại từ trước.
Quả thực vậy, khi nhận được những yêu cầu rất lạ, tham gia những trò chơi đầu tiên, trong 1 không gian trong lành, thoáng đãng, tôi cảm thấy thật sự thoải mái. Đoàn Saigon Translation chỉ có 8 người, còn lại là các anh chị, các bạn trong MH, nhưng đứng trong 1 không gian như thế, đứng trước những bài tập như thế, bỗng như không còn cảm giác xa lạ, không còn khoảng cách. Điều này có thể cũng được bắt nguồn từ nguyên nhân tự than mỗi con người tham gia chuyến đi này, đều là những người nhiệt huyết, hòa đồng, tâm hồn rất trẻ, và rất đáng để học hỏi!
Cảm giác hòa đồng, thân mật, ấm cúng có lẽ là cảm giác xuyên suốt chuyến đi của tôi, từ khi chào hỏi, giới thiệu trên xe đến lúc vui chơi, tập luyện. Và quả thật, trong 2 ngày ở IOGT, dường như mọi lo lắng, mọi thứ bộn bề không còn hiện hữu. Và trong tôi chỉ còn 1 điều háo hức, háo hức với những kiến thức mình đã, đang và chuẩn bị được học tập nơi đây. Mỗi bài tập lại mang đến cho tôi 1 cảm giác khác nhau, từ bài đầu tiên khởi động, vui, nhưng tôi, chắc hẳn cũng như bao người khác, tham gia với tâm lý sợ bị phạt. Tới bài vận động đầu tiên, không tránh khỏi chán nản.
Nhưng càng về sau, tâm lý đó dần bị đè bẹp, một phần vì tôi nhận ra được sức mạnh tập thể, 1 phần vì tôi đã rút ra được những kinh nghiệm qua những bài học trước. Nhưng có lẽ hơn hết, đó là tâm lý sợ sai, sợ phạt đã được gỡ bỏ. Kết thúc khóa học, tôi chợt nhận ra những ưu tư, lo lắng của mình trước khóa học quả thật là hơi thừa thãi, và có phần nhút nhát. Trên đường về, tôi thậm chí còn thấy thật tiếc, vì khóa học trôi qua nhanh quá. Nhưng có lẽ, thế cũng đã là tạm đủ cho cái gọi là nền tảng, khởi đầu cho những kiến thức mới, trải nghiệm mới, để có thời gian nhìn lại, suy ngẫm và ngấm dần những gì đã trải nghiệm. Tạm biệt Sóc Sơn, tạm biệt tháng 10!
2. Về những bài học rút ra và áp dụng vào công việc. Tại IOGT, mỗi trò chơi, mỗi thử thách đều đã được nghiên cứu và thiết lập thành hệ thống, chúng đều ẩn chứa một bài học nào đó, hoặc kích thích một yếu tố tiềm ẩn trong con người. Không có gì là ngẫu nhiên hoặc không chủ đích cả! Nếu ở các màn khởi động, chủ yếu để các thành viên nhận mặt nhau, làm quen gỡ bỏ tâm lý và làm nóng máy thì những trò chơi chính lại là các thử thách thực sự.
Trò chơi đầu tiên, trò chơi vượt ngục. Thực sự chúng tôi đã khá “đen” khi đụng trúng ngay trò khó nhất, khi các thành viên chưa ăn ý, mới làm việc lần đầu với nhau, và còn thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề.
Khi vấp phải trở ngại, tất cả đều nghĩ tới những biện pháp rất thể lực! Và tất nhiên, thành không không thể mỉm cười. Chúng tôi đã làm đi, làm lại rất nhiều lần, các thành viên tích cực suy nghĩ, nhưng lại quên đi mất 1 điểm cốt yếu: Tập trung vào mấu chốt của vấn đề, tận dụng mọi nguồn lực mình có.
Thực ra, trong bài tập này, có 1 điều chúng tôi làm rất tốt là biết lựa chọn nhân lực, biết sử dụng đúng người đúng việc. Khi thử đến lần thứ 3,4 tôi đã nhìn thấy nhiều thành viên nản chí, có suy nghĩ tiêu cực về việc đầu hàng bài học. Rất may, lúc đó thủ lĩnh của đội là 1 vận động viên, không chịu dừng bước. và đến khi có gợi mở về việc đội đã đi đúng hướng khi tận dụng các vật dụng, dụng cụ hỗ trợ, mọi thứ được thực hiện cực kì suôn sẻ. Thành viên thứ nhất, thứ 2 lần lượt qua một cách nhẹ nhàng đã khiến tâm lý đội trở nên vững vàng hơn bao giờ hết.
Cứ thế, chúng tôi đã thành công ở lần thử thứ 4. Toàn đội sung sướng nhìn lại những gì mình đã qua, kết quả có thể không hoàn hảo do thử lại nhiều lần, nhưng vượt qua thử thách luôn là 1 điều gì đó để lại dư vị tuyệt vời trong tâm trí. Từ trò chơi này, tôi nhận thấy 1 điều hết sức quan trọng, đó là việc nhìn nhận đúng người, đúng việc và vai trò tinh thần của người thủ lĩnh. Trong công việc cũng vậy, 1 nhân viên đánh máy giỏi thì nên được sắp xếp vào việc đánh máy, không thể để đi chở hàng, và ngược lại. Đây cũng chính là điều bổ sung cho nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn lực nội bộ. Khi sử dụng người hợp lý, biết phát huy năng lực của họ thì cũng là đã vận dụng được nguồn lực nội bộ, không lãng phí tiền của, công sức tuyển dụng, đào tạo của tổ chức.
Thứ nữa, người lãnh đạo tốt trước nhất phải là người có tinh thần tốt. Không thể lãnh đạo 1 tổ chức đi tới thành công mà ngay chính lãnh đạo không dám chắc được thành công sẽ đến với mình. Điều này làm tôi nhớ tới câu truyện vua Trần Thánh Tông vờ nói với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Trần Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Một con người với ý chí như vậy đã lãnh đạo quân dân 3 lần đánh thắng quân Mông Cổ hung bạo, khiến chúng bạt vía kinh hồn. Vì thế, đời Trùng Hưng, lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến phương bắc, giặc đất Bắc thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên. Người thủ lĩnh quyết chiến, quyết thắng như vậy thì cả tập thể mới có được chỗ dựa, tin mà làm theo!
Đến bài tập thứ 2, khi cả đội đã có thời gian trao đổi, hiểu ý và nóng máy. Thử thách có vẻ dễ dàng hơn. Lần này, lãnh đội là 1 vận động viên thực thụ, người cũng đã góp công rất lớn trong thử thách lần 1. Sau khi lãnh đội hội ý với trọng tài, cả đội bàn bạc phương án tiếp cận cụ thể với thử thách. Rõ ràng, việc lãnh đội có kinh nghiệm đã khiến cả đội đỡ vất vả hơn nhiều. Sau khi bàn bạc về thử thách, sơ đồ, đặc điểm, địa hình và tình hình nhân lực, tôi có đưa ra phương án cử 2 đến 3 bạn nằm ra, lấy thân mình khóa toàn bộ các sợi xích lại trước để cố định, sau đó di chuyển quân lương rồi đến các nữ “quân nhân”.
Lần này tôi được làm người sang đầu tiên sau khi cố định xích để hỗ trợ di chuyển quân lương và giúp các nữ quân nhân hoàn thành thử thách. Rõ ràng, với việc có kinh nghiệm từ lần trước, cộng với chiến thuật, phương án tác chiến rõ ràng, linh hoạt, cả đội đã đỡ tốn sức hơn rất nhiều. Hơn nữa, sức mạnh của từng thành viên được phát huy tối đa. Qua đó tôi nhận ra được những bài học hết sức quý báu. Thứ nhất, luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên, vì rất có thể từ đó sẽ nảy sinh những lợi ích không ngờ. Thứ 2, luôn đánh giá các vấn đề, công việc một cách cẩn trọng, cụ thể. Từ đó việc đưa ra được phương án giải quyết tối ưu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mặt khác, luôn phải có người tạo động lực trong toàn bộ quá trình làm việc.
Như ở thử thách này, người tạo động lực chính là lãnh đội. Sức mạnh tập thể, biết lắng nghe, tinh thần đoàn kết, có được nguồn động viên tinh thần tốt cộng với ý chí sẵn sang của từng thành viên đã khiến đội tôi qua 2 thử thách được đánh giá cao nhất! Nhưng, cũng chính việc này lại để lại cho chúng tôi 1 bài học, có lẽ là quý giá nhất trong cả ngày luyện tập.
Bước vào thử thách thứ 3, được đánh giá là dễ hơn cả, chúng tôi đã vô tình chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Tất cả những gì tốt nhất ở 2 thử thách vừa rồi của cả đội cũng đã bị bỏ lại cùng với những lời khen về 1 đội hình có thực lực nhất. Thêm nữa là vai trò người thủ lĩnh ở trò chơi này lại bỏ ngỏ, khi chọn chị Hiền làm thủ lĩnh, chị đã không phát huy được vai trò của mình, cũng không chỉ đạo, phối hợp các thành viên… nhưng quan trọng nhất, là cả đội không duy trì được sự tập trung đến phút cuối, khiến cho công sức cả đội bị uổng phí chỉ vì sai sót của 1 thành viên.
Trong trò chơi này, tôi lại là người tiên phong, đứng giữa cầu, làm trạm trung chuyển, chỗ dựa cho mọi người đi qua. Nhưng có lẽ, do nôn nóng, chủ quan, không đánh giá đúng trở ngại nên với phương án của mình, chúng tôi đã gặp vô vàn thử thách khi vượt qua. Cuối cùng, do thời gian hết, sai sót phút cuối, chúng tôi đã không hoàn thành được bài tập. Về thử thách cuối này, cũng là tổng kết cho ngày, tôi nhận ra được 1 điều cực kì quan trọng, khi đạt đến thành công thì cũng là lúc chúng ta dễ dàng nuông chiều bản thân, quên đi rằng xã hội luôn vận động, luôn thay đổi, và nếu ta không tiếp tục phát triển thì có nghĩa là ta đang tự bắn vào chân mình, tự chon mình xuống vực sâu, và tạo cơ hội cho người khác vượt lên!
Thứ 2, việc chủ quan khi tiếp cận công việc để lại hậu quả vô cùng to lớn, không thể phát huy sức mạnh, không có phương án tối ưu, và trên tất cả là thất bại là kết cục khó tránh.
Thứ 3, không được buông lỏng bản thân, không được lơ là dù chỉ 1 phút, vì khi lơ là, buông lỏng, rất có thể những lỗi sai sẽ được hình thành, thay vì sự hoàn hảo. Và như thế, toàn bộ công sức tập thể sẽ bị đổ sông, trôi bể.
Thứ 4, việc người lãnh đạo không thể hiện được vai trò của mình, không điều phối được công việc, không có tầm nhìn, quan sát, không gây được ảnh hưởng lên các thành viên khác sẽ dẫn tới 1 tổ chức làm việc tự phát. Vậy thì chính cái nghĩa đen của từ “tổ chức” đã không còn đúng nữa. Nên mạn phép không nói về hậu quả tại đây, vì đơn giản, nó đã quá nhãn tiền. Nhưng điều tôi đúc rút được nữa đó là tính kiên trì với công việc, kiên trì với nhân viên.
Trong nhóm tôi có 2 bạn nữ, thể chất không bằng nam, làm việc chậm hơn nam, khó khăn trở ngại là tất yếu, nhưng 1 tập thể mạnh là 1 tập thể biết đoàn kết, giúp mọi thành viên vượt qua mọi chướng ngại vật, khó khăn, qua đó cũng để tăng cường sự gắn bó trong công việc, đoàn kết nội bộ… Trong ngày thứ 2, khi chia nhóm, nhóm tôi lần này có khá đông người. Và điều tất yếu tôi lo sợ đã xảy ra. Do các thành viên đều là lãnh đạo của đơn vị nào đó, thế nên team có 11 người nhưng lại có đến 4 lãnh đạo, người được bầu làm trưởng nhóm thì lại không biết lắng nghe ý kiến các thành viên, không tạo được sự phối hợp nhịp nhàng, hơn tất cả là không tận dụng được tối đa nguồn lực trong tổ chức.
Việc này dẫn tới phối hợp nhóm rất yếu, và cả đội phải rất vất vả mới vượt qua được 1 thử thách đơn giản. Trong trò vượt ống, 1 lần nữa tôi nhận ra tầm quan trọng của tính kỷ luật khi làm việc. Trong khi cả đội đang hết sức cố gắng thì chỉ vì 1 sự thiếu kỷ luật của 1 thành viên dẫn tới phạm quy, khiến cả đội phải làm lại từ đầu! Điều này tất yếu dẫn tới sự chán nản của các thành viên. Nhưng điều đáng nói hơn cả là người lãnh đạo lại không đả thông được tư tưởng cho các thành viên, không làm được nguồn lãnh đạo tinh thần cho mọi người. Đây chắc chắn sẽ là 1 bài học còn nhiều giá trị trong công việc sau này.
Ở trò chơi cuối cùng, khi vượt cầu, thì tính đoàn kết lại 1 lần nữa không được thể hiện rõ ở cả đội. Với 1 giải pháp từng người qua cầu, cả team đã rất vất vả, trong khi nếu tất cả cùng đi thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Qua các bài học trên, tôi nhận thấy người lãnh đạo quyết định rất nhiều tới sức mạnh của tổ chức. Người lãnh đạo trước tiên phải là chỗ dựa về mặt tinh thần, khiến cho toàn bộ tổ chức có chung cái nhìn, chung ý chí với mình.
Thứ 2, người lãnh đạo phải luôn quan sát, suy xét thật kỹ, vận dụng tối đa nguồn lực hiện có để phát huy trong công việc, nhìn đúng người, phân đúng việc. Đó là mấu chốt của vấn đề. Thứ 3, luôn biết lắng nghe ý kiến của nhân viên, và kịp thời giải quyết mâu thuẫn. Thứ 4, thái độ của lãnh đạo với nhân viên phải tích cực. Nếu lãnh đạo nhìn nhận nhân viên không đúng thực lực, coi người đó như gánh nặng của tổ chức, tự khắc người đó sẽ không còn động lực, và rất có thể, tổ chức sẽ mất đi 1 nguồn lực đáng quý.
Thứ 5, phải luôn ý thức về vấn đề kỷ luật, không thả lỏng tổ chức. phải sát sao với từng khâu làm việc, từng công đoạn, vì ta không thể biết được lỗi sẽ phát sinh khi nào, và những lỗi sai đó có thể làm hỏng công sức của toàn bộ tập thể. Điều cuối cùng, phải luôn ý thức về sự phát triển của tổ chức, không thể để những thành công nhất thời ru ngủ mình, kìm hãm tư duy sang tạo , ý chí vươn lên của bản thân, của tổ chức. Có như vậy tổ chức mới vững mạnh, phát triển.
3. Về bài học tạo động lực Nếu các bài học thể chất đưa ra những trải nghiệm thực tế để rút kinh nghiệm thì bài học về tạo động lực lại là những kiến thức, có thể với tôi không mới, nhưng với cách giới thiệu của giảng viên, tôi lại học them được nhiều thứ. Tôi hiểu rằng việc tạo động lực cho nhân viên cũng chính là tạo được động lực cho bản thân mình, thúc đẩy mình phát triển. Tôi hiểu việc tạo động lực cho nhân viên cũng là thúc đẩy tổ chức đi lên.
Động lực được tạo ra nhờ việc đặt mục tiêu, khen kịp thời, chê đúng lúc. Và biết tách biệt hành vi sai với cả con người của nhân viên. Luôn tìm ra điểm mạnh trong toàn bộ kết quả, từ đó thúc đẩy họ phát huy. Và hơn nhất, khiến nhân viên nhìn nhận được lợi ích của họ trong tổ chức, gắn lợi ích của họ vào tổ chức, và điều này có thể thực hiện được qua việc khen thưởng kịp thời, có chế độ, chế tài rõ ràng với nhân viên. Như vậy sẽ khiến nhân viên có thêm quyết tâm, động lực để cống hiến! Trên đây là những cảm nhận của tôi sau khóa học.
Có thể quá sớm hoặc quá vội vàng để nói rằng khóa học thay đổi hoàn toàn con người, suy nghĩ tôi, nhưng chí ít, khóa học cũng giúp tôi có được nền tảng cho một hệ tư duy mới, 1 tầm nhìn rộng hơn, mở ra cho tôi hướng phát triển bản thân trong sự nghiệp sau này. Lời cuối, xin chân thành cảm ơn đã tạo cho tôi cơ hội tham dự khóa học này. Cảm ơn toàn bộ các anh chị em đã cho tôi những kỷ niệm, bài học quý báu.